SỨ ĐIỆP “HÃY ĂN NĂN”
Đỗ xuân Thảo
Trong xã hội ta các cụ hay dạy con cháu phải biết ăn năn hối hận trong đạo làm con trong gia đình, trong cách ăn ở với người lối xóm, trong quan hệ vợ chồng, trong tình bạn bè, đồng nghiệp, giao lưu cộng đồng. Cao hơn một bậc, trong tôn giáo dù là đạo Phật, đạo thờ ông bà, đạo Cao Đài, Hòa Hảo v.v...họ cũng dạy tín đồ tín hữu ăn ở cho phải đạo, phải biết ăn năn xám hối khi lầm lỗi. Đối với chúng ta những người theo đạo Chúa thì ăn năn còn đi xa hơn là hối hận về chuyện xấu đã làm và xám hối không hẳn chỉ là muốn thành tâm tu sửa lại. Sự ăn năn đã trở thành một chủ đề được coi trọng vì nó là cội nguồn cho sự được tha tội và giải phóng con người khỏi cám dỗ của thế gian.
Từ hơn hai ngàn năm trước, tôi tớ của Đức Chúa Trời là Giăng Báp-tít đã được xử dụng như “kẻ dọn đường cho Chúa” (Giê-su) đã cảnh báo nhân loại qua sứ điệp ”Hãy ăn năn, vì nước Đức Chúa Trời đã đến gần” (Ma-thi-ơ 3: 2). Khi nói đến ăn năn tôi tớ Chúa muốn nhắn nhủ mọi người hãy biết quay về với Đấng Tạo Hóa, thay đổi tư duy và trọn vẹn trong cách sống. Theo tiếng Hi-lạp sự ăn năn ‘metanoeo’, là một danh từ kép gồm hai phần ‘meta’ có nghĩa là ‘thay đổi’ và ‘noeo’ nghĩa là ‘suy nghĩ’. Ghép lại ăn năn là thay đổi cách suy nghĩ để vừa biết ăn năn hối hận vừa tỏ thái độ quyết tâm thay đổi .
Càng đi sâu về mặt thuộc linh thì sự ăn năn trong giáo lý Cơ đốc thường đi đôi với phép báp-têm -mà báp-têm tượng trưng cho sự tha tội - cho nên ta thấy Giăng Báp-tít đã “dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh để giảng dạy phép báp-têm về sự ăn năn để được tha tội” (Lu-ca 3: 3) làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa là Ê-sai đã tỏ ra từ nhiều thế kỷ trước rằng sứ điệp ăn năn làm cho “mọi loài xác thịt sẽ thấy sự cứu của Đức Chúa Trời” (Ê-sai 40: 3).
Để hiểu một cách cụ thể, ta nhớ lại trong Kinh Thánh có hai chuyện về sự ăn năn, một mang tính ẩn dụ, một là chuyện có thật mà khi nhắc đến con cái Chúa ai cũng dễ nhận ra. Đó là chuyện ‘người con trai hoang đàng’ sau nhiều năm phá của bỏ nhà ra đi, đến khi muốn kiếm vỏ đậu của heo mà ăn cũng chẳng ai cho. Lòng tỉnh ngộ hối hận, tìm đường về tạ tội cùng cha. Cha vui mừng quá đỗi, dù anh em có phần tị nạnh, nhưng người cha giải thích, “vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được” nên dọn tiệc ăn mừng là như vậy (Lu-ca 15: 32). Câu chuyện nổi bật ý nghĩa vì ăn năn nên đã chết mà tìm về được sự cứu và cha ở đây ngụ ý chỉ Cha ta ở trên trời. Chuyện thứ hai liên hệ đến môn đồ của Chúa là sứ đồ Phi-e-rơ, ông đã chối Chúa ba lần trong lúc người Thầy trong cơn nguy khốn, nhưng nhờ âm thầm ăn năn qua những giọt nước mắt đắng cay nặng niềm thống hối, Chúa hiểu được lòng ông và còn được Chúa tin giao cho chăn bày chiên của Ngài khi Chúa Giê-su rời khỏi thế gian.
Ngày nay, sứ điệp ăn năn hình như ít được nhắc nhở nhiều trong công vụ truyền giáo, khiến Mục sư Ricardo Graham, Chủ tịch Liên hiệp hội CĐPL Thái bình Dương có lần nhận xét, “Chúng ta không được nghe nhiều về sự ăn năn trong những ngày gần đây, làm như chuyện ăn năn là của thời đã qua, hoặc giả các người truyền giảng ‘kể cả tôi’ cũng đã quên khuấy đi trong các sứ điệp truyền đạt cho hội chúng”. Chúng ta hoan nghênh sự lên tiếng thẳng thắn của người đầu đàn Liên hiệp hội và càng thấy sứ điệp ăn năn chẳng phải là chuyện ‘biết rồi khổ lắm nói mãi’ như có người trộm nghĩ và tất nhiên cũng chẳng thể đi dần vào lãng quên vì không còn phù hợp cho thời đại ngày nay.
Quả thật, muốn được cứu không phải là chuyện dễ, dù ta đã được hứa sự cứu rỗi là món quà cho không, được cứu bằng ân điển, bằng đức tin chứ không phải bằng việc làm, bằng sức người. Nhưng lật lại vấn đề, cội nguồn của đức tin là Đức Chúa Giê-su, sự ăn năn không thể trải nghiệm nếu không thông qua Chúa Giê-su và cụ thể hơn là chỉ nhờ sự thương xót của Đức Thánh Linh con người mới được dẫn đến sự ăn năn để được tha tội.
Trong một thế giới đang đi vào những phức tạp làm khủng hoảng niềm tin, con người đang bị xô đẩy vào những bất trắc của cuộc sống, bị lôi kéo vào những tranh chấp về quyền lực, bị cám dỗ bởi những thú vui trần tục, bị tối mắt về ‘những sự thấy được’ và giả lơ về ‘những sự không thấy được’ thì quả thật ý hướng ăn năn muốn quay về với Đấng Tạo Hóa là một cái gì họ cho là xa vời, chưa cần thiết. Chính vì vậy mà Lời kêu gọi ”Hãy ăn năn” vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta trong thời nay và càng trở nên cấp thiết trong thời kỳ cuối cùng.
Nhớ lại năm ngoái các Hội thánh người Việt tại hải ngoại đã có cuộc họp Trại mang chủ đề “Dấn Thân Truyền Giáo” nhằm ôn lại quá trình công tác phụng vụ của phong trào Cơ Đốc Phục Lâm trải dài qua nhiều thời kỳ của lich sử dân tộc, đồng thời đề ra các phương thức nhằm đẩy mạnh công tác truyền giáo trong tinh thần dấn thân trong tuơng lai. Năm nay kế tục tinh thần này, chủ đề mới “Xây Dựng Niềm Tin” được khơi lại để các hội thánh cùng nhau trao đổi kinh nghiệm thuộc linh hầu nâng đỡ khuyến khích nhau ‘củng cố lại đức tin’ chuẩn bị cho ngày trở lại của Chúa Giê-su. Đây cũng là dịp làm sinh động lời kêu gọi của tôi tớ Ngài, Ellen G. White “Dọn lòng để gặp Chúa ta” gần một thế kỷ đã qua và làm mới lại lời kêu gọi của Giăng “Hãy ăn năn” từ hai ngàn năm trước.
Trong tinh thần đó người viết mong mỏi thông điệp về sự ăn năn sẽ không thể thiếu trong thời điểm cận kề giờ phán xét của chúng ta ngày hôm nay.Đỗ xuân Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét